Số liệu cập nhật mới nhất từ Bộ Kế
hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã thu
hút được 26,4 tỷ USD bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá
trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, có tới 1.051 lượt
dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,3 tỷ USD, tăng
7,8%.
Nhiều đối tác lớn của Apple chuyển
một phần dây chuyền sang Việt Nam
Theo thông tin từ Reuters, Foxconn –
một nhà gia công lớn của thế giới, chuyên sản xuất cho Apple sẽ chuyển một phần
dây chuyền lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook sang Việt
Nam.
Foxconn sẽ chuyển một phần dây chuyền
lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook sang Việt Nam. (Ảnh:Tim
Cook trong một lần thăm nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn)
Foxconn đang xây dựng dây chuyền lắp
ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook của Apple tại nhà máy ở
tỉnh Bắc Giang. Nhà máy này dự kiến đi hoạt động vào nửa đầu năm 2021.
Chưa rõ Foxconn sẽ lắp ráp những mẫu
iPad và MacBook nào tại Việt Nam và sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng sản
lượng mà Apple sẽ chuyển ra khỏi Trung Quốc. Nhưng thông tin của Reuters cho
biết, Apple đã yêu cầu Foxconn thực hiện việc di dời này và dây chuyền lắp ráp
Foxconn đầu tư sang Việt Nam lần này dự kiến khoảng 270 triệu USD.
Động thái này của Foxconn là nhằm
hưởng ứng khuyến khích của chính quyền Tổng thống Donald Trump là chuyển sản
xuất của các công ty Mỹ ra khỏi Trung Quốc, cùng với việc áp hàng rào thuế quan
đối với các thiết bị điện tử sản xuất tại Trung Quốc. Đồng thời hạn chế cung
ứng linh kiện có sử dụng công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc mà họ cho là có
rủi ro an ninh quốc gia.
Trước đó, Tập đoàn Pegatron của Đài
Loan, chuyên cung ứng linh kiện cho các "ông lớn" trong ngành điện tử
như Apple, Sony, Microsoft, Lenovo... cũng đã làm thủ tục xin phép đầu tư 2 dự
án với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD tại Hải Phòng.
Ngoài ra, một đối tác lớn khác của
Apple, hiện đã có nhà máy AirPods tại Việt Nam cũng đã đăng ký đầu tư mở rộng
nhà máy rộng hơn 30 ha tại tỉnh Bắc Giang trong năm nay.
"Làn sóng" mới từ Nhật Bản
Mới đây, văn phòng Tổ chức Ngoại
thương Nhật Bản ( JETRO ) tại TP.HCM công bố danh sách 30 doanh nghiệp được
Chính phủ nước này hỗ trợ nhằm tăng cường sản xuất ở khu vực Đông Nam Á. Đây là
đợt hỗ trợ thứ hai của Chính phủ Nhật Bản, nằm trong chương trình hỗ trợ nhằm
đa dạng hóa chuỗi cung ứng do COVID-19 và tình hình căng thẳng thương mại giữa
hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ -Trung Quốc.
Theo đại diện JFTRO tại TP.HCM, đã
có 15/30 công ty Nhật Bản đăng ký mở rộng sản xuất hoặc đăng ký dự án đầu tư
mới tại Việt Nam trong đợt hỗ trợ thứ hai của Chính phủ Nhật Bản nhằm đa dạng
hóa chuỗi cung ứng do COVID-19.
Trong danh sách này đã có 15 công ty
đăng ký mở rộng sản xuất hoặc đăng ký dự án đầu tư mới tại Việt Nam. Được biết,
trong đợt một được công bố vào hồi tháng 7 vừa qua, cũng đã có 15 công ty Nhật
Bản chọn đầu tư sang Việt Nam.
Theo đại diện JETRO tại TP.HCM,
trong đợt hai này, ngoài những công ty nhỏ và vừa, nhiều tập đoàn lớn cũng được
Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam như Fujifilm
Corporation được duyệt các chính sách ưu đãi của chương trình hỗ trợ, tập đoàn
này sẽ sản xuất bộ kít xét nghiệm kháng nguyên để chẩn đoán nhiễm COVID-19 .
Hay như, Panasonic sẽ được hỗ trợ
thực hiện việc sản xuất phụ tùng ô tô. Đây là tập đoàn đã có nhiều dự án sản
xuất ở Việt Nam với vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD. Tập đoàn này cũng
đang trong giai đoạn đầu dịch chuyển nhà máy từ Thái Lan sang Việt Nam.
Ngoài ra, những tập đoàn lớn khác
của "xứ sở mặt trời mọc" như: Mabuchi Motor Co Ltd, Tập đoàn Nitto
Denko, Taiyo Holdings, Sumitomo Wiring Systems, Sumida, SMC cũng được Chính phủ
nước này hỗ trợ đa dạng hóa sản phẩm cũng như mở rộng sản xuất tại thị trường
Việt Nam.
Đại diện JETRO tại TP.HCM nhận định,
trong các quốc gia ASEAN, Việt Nam là một ứng cử viên nặng ký vì nền kinh tế
của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh sau khi dịch COVID-19 được kiểm
soát.
Vì vậy, các nhà đầu tư Nhật Bản chon Việt Nam là
nhằm thiết lập một một hệ thống cung ứng bền vững và đáng tin cậy, thông qua
việc đa dạng hóa cơ sở sản xuất. Đồng thời, giảm thiểu nguy cơ gián đoạn nguồn
cung hàng hóa, do phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.