Tại buổi làm việc, lãnh đạo
hai bên đã vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác song phương ngày càng phát triển
và đi vào chiều sâu. Thứ trưởng Đào Quang Thu đã thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư
gửi lời chào và cảm ơn sâu sắc đến chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã giúp đỡ
và viện trợ Việt Nam phát triển kinh tế từ những năm 1970. Đặc biệt, một số dự
án mà Chính phủ Thụy Điển đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng đã trở nên rất quen thuộc
trong người dân Việt Nam như dự án nhà máy giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Nhi Thụy Điển
v.v…
Trả lời những vấn đề liên
quan đến chủ trương xúc tiến đầu tư tại Việt Nam, Thứ trưởng Đào Quang Thu nhấn
mạnh Việt Nam rất chú trọng thu hút đầu tư từ nước ngoài. Đặc biệt trong những
năm gần đây, bên cạnh các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc,
Singapore… Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư của nhiều quốc
gia phát triển khác Mỹ và nhiều nước Châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, ThụyĐiển
v.v… Thụy Điển là nền kinh tế hàng đầu Châu Âu, có nhiều tập đoàn lớn như IKEA, Erricson, ABB, Volvo, H&M...với tiềm
năng tham gia đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp của Thụy Điển
vào Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước.Hiện Thụy
Điển có 49 dự án đầu tư còn hiệu lực với vốn đăng ký khoảng 130 triệu USD, chiếm
tỷ phần còn khiêm tốn so với gần 290 tỷ
USD vốn FDI vào Việt Nam. Thứ trưởng Đào Quang Thu bày tỏ mong muốn trong thời
gian tới, Chính phủ Thụy Điển sẽ làm cầu nối thông tin giúp các doanh nghiệp biết
đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các dự án PPP về hạng mục hạ
tầng, giao thông…
Về phía Thụy Điển, Bộ trưởng
Ann Linde đã đại diện cho phái đoàn trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo Cục
Đầu tư nước ngoài tới các nhà đầu tư Thụy Điển trong thời gian qua; nhấn mạnh
Thụy Điển sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới. Bà Ann Linde đánh
giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam, hai bên cũng đã thiết lập quan hệ đối
tác hợp tác chiến lược, tạo đà cho các doanh nghiệp Thụy Điển xúc tiến đầu tư,
kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại môt số rào cản khiến các nhà
đầu tư còn lo ngại như: vấn đề thủ tục gia nhập thị trường, đặc biệt trong lĩnh
vực bán lẻ; cần minh bạch hóa các khâu đấu thầu dự án tại Việt Nam, do các
doanh nghiệp Thụy Điển chủ yếu sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, tuổi thọ
dài, thân thiện với môi trường với các giải pháp kỹ thuật mang tính bền vững;
tuy nhiên chi phí sản phẩm cao hơn so với các sản phẩm giá rẻ khác. Chính vì vậy,
Thụy Điển mong muốn Việt Nam trong quá trình thẩm định nhà thầu cần có sự đánh
giá minh bạch dựa trên giá trị sản phẩm. Bộ trưởng Ann Linde đề nghị chính phủ
Việt Nam cùng các Bộ, ban ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi
cho các doanh nghiệp Thụy Điển đăng ký kinh doanh tại Việt Nam.
Kết thúc buổi gặp, với tinh
thần thảo luận cởi mở và cầu thị, Thứ trưởng Đào Quang Thu đã tiếp nhận những ý
kiến đóng góp từ phía Thụy Điển, đồng thời cho biết Việt Nam đang trong quá
trình cải cách, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tích cực giải quyết các vấn đề
còn tồn tại, thu hút các dự án có chọn lọc, không ô nhiễm môi trường, phù hợp với
mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Đó là tiền đề để tạo ra môi
trường lành mạnh nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia trên thế giới
nói chung và Thụy Điển nói riêng, hướng tới một tương lai hòa bình, hữu nghị, hợp
tác cùng phát triển.